Viết bởi Uyên Ly cho Hanoi Grapevine
Bản quyền thuộc về Hanoi Grapevine và họa sỹ Nguyễn Minh. Không trích dẫn, đăng tải lại dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận.
Cho đến trước ngày khai mạc, (21 đến ngày 25 tháng 9), triển lãm tranh và điêu khắc chủ đề “Phố” gồm 29 tranh và 06 tác phẩm điêu khắc của họa sỹ trẻ Nguyễn Minh diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, có thể gây tò mò thậm chí nghi hoặc, bởi đề tài sáng tác về Phố đã quá quen và gắn với những họa sỹ tài danh (như Bùi Xuân Phái). Sau khi ngắm tranh và trò chuyện với họa sỹ, PHỐ của Nguyễn Minh hiện ra với nét riêng thuyết phục.
Nét riêng ấy thể hiện ở cách nhìn đơn giản, trẻ trung và hiện đại. Phố của Nguyễn Minh có sự chồng lấn, đan xen, nhấp nhô của các ngôi nhà có mái hình tam giác, các nét thẳng, gọn, các mảng vuông, chữ nhật, đa giác… Những tác phẩm điêu khắc cũng đơn giản, thẳng nét, đôi chỗ điểm mảng bẹt và có chút màu tạo điểm nhấn. Nhìn tổng thể, các tác phẩm tạo nên một cảm giác dễ chịu, trữ tình, “lạc quan”, mặc dù sự chen chúc, chật chội của Phố vẫn hiện diện trong tranh.
Họa sỹ Nguyễn Minh nói: “Nghĩ đến phố người ta nghĩ đến nhiều tên tuổi, tôi luôn cố gắng tìm ra cái mới, cái khác để tôi là nó (tác phẩm) và nó là tôi…”
Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định “…Đi tìm được cái mới trong một đề tài cũ đã là thành công của Nguyễn Minh…”
Cảm hứng Phố và các mái nhà nhấp nhô đầy tính nhịp điệu đến từ đâu thưa họa sỹ?
Tôi lớn lên ở Quốc Oai, Hà Tây cũ trong ngôi nhà cấp 4. Sống trong đó tôi thấy hạnh phúc. Và một câu chuyện nữa: Thuở tôi còn nhỏ, nhà tôi khó khăn, được bác hàng xóm cho ở nhờ trong nhà cấp 4. Bố mẹ làm nghề nông thuần chất, tiết kiệm mãi mới làm được căn nhà, lại cũng là nhà cấp 4, tôi thấy rất tự hào. Khi trở thành sinh viên ra ngoài Hà Nội, trong 13 năm học từ cao đẳng cho đến khi tốt nghiệp thạc sỹ, tôi đi ở trọ nhiều nơi, thấy nhà cấp 4 ban đầu còn nhiều nhưng rồi dần biến mất, bị thay thế bởi những ngôi nhà 2, 3 tầng. Tôi muốn lưu giữ nó vì nó là tuổi thơ của mình. Và nếu nó bị đô thị hóa, sẽ như bị mất đi niềm tự hào, mất đi tuổi thơ của mình vậy. Tôi nghĩ về quê mình, nghĩ về các tỉnh thành khác sớm muộn cũng sẽ như vậy. Và tôi muốn giữ “nó” lại, muốn truyền sự lạc quan, cách nhìn tích cực thông qua các tác phẩm với một tâm trạng của tuổi thơ, chứ không phải là níu giữ lịch sử. Và bằng kiến thức hội họa tôi chuyển tải thông điệp đó qua nhịp điệu, mảng miếng và đường nét.
Anh làm việc với series Phố này bao lâu rồi?
Về tranh, tôi tạm thời chia làm hai thời kỳ, thời kỳ đầu 2015-2016 lúc mới tìm hiểu, và thời kỳ sau này năm 2017 – 2018. Năm 2015 – 2016 Hà Nội đang chặt cây, những cây cầu cao đang dần hoàn thiện. Tâm trạng nhiều người như bị o ép, như tiếc nuối. Với con mắt của người nghệ sĩ trẻ, tôi không muốn nói lại sự việc lịch sử đó trong tác phẩm, mà tôi muốn giữ cái nhìn lạc quan và lãng mạn đang tiếp diễn trong mình, để xây dựng những tác phẩm mang tính biểu hiện cao và đầy ngôn ngữ tạo hình với nét riêng của mình.
Về cách anh dùng màu thì sao? Là màu sắc của tâm trạng hay của thời tiết?
Có thể là tâm trạng khi mình vẽ, có thể là của mùa, của thời điểm đó, ví dụ bức “Thu 2016”, cũng là lúc các cây đang bị tàn phá, và tôi chọn cây là nhân vật chính diện, choán ngợp không gian, phủ kín mặt tranh. Đằng sau là cây cầu, cột điện, phố, và phảng phất tiết thu. Điều quan trọng là “điểm nhìn” trong tác phẩm này được tôi nhấn mạnh và được tôi đưa làm chi tiết hấp dẫn, chính điều đó đã mang lại sự thú vị cho bức tranh này. Tác phẩm “Summer 2016” cũng có nhân vật chính là cây, với nền trời rực màu đỏ. Ở đây tôi muốn nói đến màu của sự oi bức, của lòng người, của cây, của phố, màu của tuổi trẻ, của nhiệt huyết tác giả đặt vào tranh, lúc này màu đỏ không đơn thuần là tiết trời nữa rồi.
Hãy nói tiếp về loạt tranh?
Cuối 2016 sang 2017 tôi có một số tác phẩm khác, lúc đó Hà Nội đang dẹp loa phường. Mọi người có nhiều ý kiến khác nhau. Với tôi rõ ràng loa phường trong tranh có chất thơ của nó. Ví dụ ở bức này: Hình ảnh loa phường gắn với Hà Nội. Với tôi đó là một chi tiết đẹp của Hà Nội. Có thể nhiều năm sau loa phường không còn, mà chỉ còn trong tranh. Tranh có loa phường, có cổng làng, nó mang nhiều chất thơ, sự hoài niệm về Hà Nội và nó có cả cuộc sống của lớp lớp người dân.
Thời kỳ sau thì tranh phố khác hơn, sự lồng ghép, xuyên thấu, nhà nọ nhìn nhà kia đan xen vào nhau. Khi có sự chồng nhau, cái trên cái dưới, cái trước cái sau, bởi vì hình như làm gì còn đất nữa, như một mô hình đồ chơi bị dồn ép từ hai bên, sẽ bị xô lệch đi. Bị dồn ép bởi đô thị hóa, khu phố bị dồn lại, biến đổi, nhưng với tôi nó lại tạo nên một vẻ đẹp mới.
Như vậy giai đoạn này với giai đoạn trước đó đã khác nhau về sự lồng hình, đã lãng mạn hơn. Và cây xuất hiện sau này không còn trơ trụi lá như ban đầu, mà cây đã trữ tình hơn và hồi sinh, sự hồi sinh mang tính ẩn dụ.
Có một tác phẩm lớn nhất dài 4m, cao 1m, tên là “Giao mùa”. Nó không đơn thuần là thời điểm giao thoa giữa mùa nọ và mùa kia, mà nó là giao thời giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại. Liệu ta còn giữ được bao nhiêu truyền thống? Phát huy được bao nhiêu mặt tốt của cái mới? Có dung hòa được hai yếu tố này hay không? Toàn bộ phía xa xa, đằng sau khu phố có thể là mảng màu vô không, có thể là thửa ruộng là cánh đồng, là khoảng đất trống rỗng. Tại sao lại trống rỗng như vậy? Câu trả lời tùy vào mỗi người xem.
Trong loạt tranh có ba tác phẩm chân dung rất thú vị, anh hãy nói về ba tác phẩm này?
Ba tác phẩm kích thước 1m54 x 1m54. Tên tác phẩm là Face 1,2,3. Ý tưởng của tôi là dùng hình ảnh khu phố để biểu hiện chân dung của một con người, có thể là chính mình, để suy nghĩ lạc quan hay hoài niệm về phố đó thì tùy, nhưng ta chính là phố, là cây, phố cũng là ta, cây cũng là ta, là tôi hay là bạn, hay là chúng ta? Những chấm hình vuông như là nhiều diện mạo nữa chứ không chỉ một diện, nhân bản nhiều gương mặt khác nữa ở đằng sau khu phố, màu vàng màu trắng, tạo chất đậm – nhạt, cái sáng cái tối, mỗi người một mặt khác nhau… Và đó là câu chuyện không chỉ của riêng ai.
Hãy nói về các tác phẩm điêu khắc? Tôi thích những tác phẩm trông đơn giản và khá bay bổng.
Tôi đặt tên loạt tác phẩm điêu khắc là “Cái bóng” là “Vũ điệu phố”. Lúc này Phố như một diễn viên ba lê, lúc ở tư thế này, lúc ở tư thế khác, ở những trạng thái khác nhau, nằm, chật, xâm lấn và bay, rồi vươn dậy (đứng). Phố là người, người là phố. Có những người thấy phố chính là mình, là bóng dáng của người thân mình trong đó. Mảng tường, nhà cửa trong phố, cũng là con người. Tôi muốn mọi người nhìn xuyên thấu qua phố, để thấy bóng mình trong đó, nó có thể là sự tự liên tưởng. Tôi muốn mọi người nhìn thấy cả bên trong, đằng sau, ở trên hay phía dưới của Phố. Trong một số tác phẩm ở trạng thái “bay” hay “vươn dậy” có sự xâm lấn của đường nét trong không gian, nó là sự lãng mạn, là sự giải thoát, sự chấp nhận, sự khởi động mới. Nó là cách nhìn lạc quan hơn, phóng khoáng hơn.
Như vậy càng về sau này, tác phẩm Phố của anh càng lãng mạn và tươi sáng hơn
Khi xem tranh mọi người thường nói với tôi là họ thấy Phố của tôi rất đẹp, có đâu đó như tuổi thơ của họ hoặc có người lại thích cách tạo hình, hay thích cách dùng màu của tôi… Đối với tôi, tôi thấy vui và hạnh phúc vì lẽ ấy, nhưng ngoài những điều đó còn là câu chuyện đằng sau mà tôi muốn mang lại cho mọi người, đó là chúng ta cần luôn có cái nhìn lạc quan – tích cực hơn về mọi mặt, mọi khía cạnh trong cuộc sống. Vì chỉ khi ta có cái nhìn tích cực sẽ thấy cuộc sống rất thú vị, mọi mâu thuẫn đều dễ dàng hóa giải, dễ dàng tháo những nút thắt không đáng có.
Xin cảm ơn anh nhiều.
———————-
Về họa sỹ Nguyễn Minh:
Họa sỹ Nguyễn Minh sinh năm 1982, tốt nghiệp thạc sỹ tạo hình tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam và là thành viên tích cực của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2015, anh tạo được sự chú ý trong giới mỹ thuật với loạt tranh “Tễu” – sử dụng hình tượng chú Tễu trong văn hóa dân gian để nhắc nhở về những câu chuyện và giá trị bên trong thay vì vẻ bề ngoài ồn ào. Từ đó đến nay anh sống ổn bằng nghề và có một vị trí nghệ thuật ổn định. Đề tài “Phố” là sự tìm hiểu tiếp theo của họa sỹ Nguyễn Minh sau loạt tranh “Tễu”.