Không bao giờ làm cừu Dolly nhân bản ý tưởng người khác và cũng không lặp lại mình, họa sĩ trẻ Nguyễn Minh là một gương mặt giàu cá tính. Điểm nổi bật trong sáng tác của Minh là series những tác phẩm vẽ phố trong vòng 7 năm trở lại đây. Vì thế, Minh có nghệ danh là Minh “Phố”. Một cuộc trò chuyện thú vị với anh về hành trình nghệ thuật, quan điểm sáng tạo.
Anh vẽ phố từ bao giờ, có một nhân duyên nào?
– Tôi vẽ phố từ năm 2013 lúc còn là học viên năm cuối của lớp cao học – trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Phố – làng là nơi tôi sinh ra và lớn lên, những hình ảnh về phố – làng đã in sâu và là kí ức, là tuổi thơ của tôi. Tuy nhiên, tôi muốn “tạo ra” một phố – làng khác biệt nhưng vẫn gần gũi, với sự khái quát đến mức tối giản về hình và được tôi đặt ra thành các giai đoạn để nghiên cứu
Phố với anh là sự khu biệt của một con phố cụ thể gắn liền với những kỷ niệm, trải nghiệm của anh hay đó là một khái niệm mang tính phố quát?
– Từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất, tuần nào tôi cũng dành thời gian đạp xe đạp đi khắp Hà Nội, đến các vùng ngoại thành và về các vùng quê để ký họa. Tôi coi ký họa như một cách để vừa trải nghiệm, vừa tăng thêm vốn hình ảnh ngoài thực tế và để nâng cao chuyên môn về hình, về không gian… Phố – Làng trong tôi là ký ức, là tuổi thơ nên trong tranh người xem sẽ thấy đâu đó những mái nhà, những đầu hồi, đầu đao, cổng làng, tường làng, những cây cột điện…. rất thân quen. Tuy nhiên, những hình ảnh ấy được tôi “quy hoạch’ theo nhiều lăng kính, nhiều cách nhìn khác nhau để mỗi một bức tranh như một mặt của một khối rubic. Bởi vậy, phố của tôi vừa có tính thực tế, vừa mang tính ý niệm.
Danh họa Bùi Xuân Phái nổi danh với “Phố Phái”, anh cảm thấy áp lực và trách nhiệm như thế nào với biệt danh Minh “phố”?
– Vẽ về phố thì có nhiều họa sĩ, trong đó có họa sĩ Bùi Xuân Phái. Tôi cho rằng, ở các thế hệ họa sĩ nối tiếp sau này nếu vẽ phố, cần tạo ra một phố khác không lặp lại… Trong thời kỳ hiện đại, ở Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn đang có rất nhiều họa sĩ đang vẽ phố và họ cũng tạo được những cái tên riêng cho phong cách hay dòng tranh về phố mà họ đang theo đuổi. Tôi may mắn được các nhà sưu tập và bạn bè nghệ sĩ trong giới gọi là “Minh Phố”, điều đó đã đánh dấu một sự khác biệt đã có trong tranh của tôi chăng? Cái tên ấy cũng là một thử thách cho tôi bởi tôi nghĩ: “Làm thế nào để mình xứng đáng với tên khác biệt đó? Làm thế nào để khi xem tranh người xem thấy sự khác lạ về phố? Làm thế nào để tạo ra quá trình dài hơi khi nghiên cứu về phố?… Nhưng trên hết tôi nghĩ: “Là nghệ sĩ cứ chân thành, trung thực với chính mình và làm việc bằng năng lượng của nhiệt huyết với niềm khát khao lớn nhất, ắt sẽ thành công”.
Từ bức vẽ đầu tiên về phố… cho đến hôm nay, phố trong tranh anh có những thay đổi nào về thông điệp chuyển tải và kỹ thuật thể hiện?
– Tôi thường chia các giai đoạn để nghiên cứu. Giai đoạn đầu, tôi dành khá nhiều thời gian cho mình để đi tìm phong cách, tìm cái riêng. Và tôi đã dành 4 năm từ năm 2013 – 2016. Các giai đoạn sau là những giai đoạn phát triển cao hơn thường là 2 hoặc 3 năm để nghiên cứu tiếp.
Giai đoạn đầu 2013 – 2016 là lúc tôi xây dựng hình ảnh từ những ký họa phác thảo, vẽ theo các phong cách, các “dòng” khác nhau để rồi đi đến khái quát nhất về phố. Thời kỳ này, phố mang một thông điệp về sự tiếc nuối quá khứ khi đô thị hóa đã bắt đầu len lỏi đến các vùng đất.
Giai đoạn 2016 – 2018 là lúc tôi đã định hình được phong cách riêng (theo nhận định của các nhà sưu tập, các họa sĩ và báo giới). Giai đoạn này “lý trí” bị chi phối khá nhiều trên các tác phẩm. Từ bố cục như thế nào trên từng tác phẩm, đến cách thức biểu đạt… đều được tôi “tính toán” khá kỹ. Sở dĩ có điều đó là do sự cầu toàn và “ý thức luôn tìm sự khác biệt”. Có người nói với tôi: “Giai đoạn này phố của Minh khá “cứng””. Có lẽ đúng vậy. Với tôi, giai đoạn này rất quan trọng, vì nó là nền móng để tôi “vẫy vùng” cho các giai đoạn sau.
Giai đoạn 2018 – 2019 là giai đoạn mà tôi cho mình sự “tự do”. Lúc này, phố như được bay nhảy, được “tung tẩy” qua nét vẽ, qua mảng màu, vẫn tạo hình ấy nhưng những hình ảnh phố được lồng vào nhau, ẩn hiện. Thông điệp của thời kỳ này là sự lãng mạn, thi vị và tinh thần lạc quan trước mọi biến đổi của phố qua từng thời đại.
Giai đoạn hiện tại 2020 – 2022 sẽ là “cuộc chơi” với nhiều điểm nhấn. Ở giai đoạn này, sự thay đổi rõ nhất là ngôn ngữ biểu đạt. Lần đầu tiên, phố được biểu đạt với ngôn ngữ biểu hiện trừu tượng, có lúc lại “bán trừu tượng”. Phố lúc này có khi là hình ảnh đầy đủ của phố, có khi chỉ là nét khái quát, có khi chỉ là “ý niệm phố” ở các chấm, các ô. Thời kỳ này cũng là lần đầu tiên đưa khối lập phương vào tranh, nó có thể như khối đa diện, có thể như khối rubic. Nó chứa đựng bên trong các di sản, các dấu tích của văn hóa nói chung, “đó là hóa thạch về nền văn hóa? Hay hóa thạch về chứng tích của các di sản?… Chúng ta cần làm gì?…”. Các câu hỏi và câu trả lời sẽ để ở mỗi người xem và mỗi câu hỏi và trả lời của các người xem đều là những thông điệp gửi đến cho từng cá nhân.
Được biết tranh của anh bán rất tốt trên thị trường mấy năm gần đây. Làm sao để cân bằng giữa nhu cầu sáng tạo đích thực của họa sĩ và nhu cầu đòi hỏi của thị trường?
– Nếu là họa sĩ đúng nghĩa thì ai cũng hướng đến và có nhu cầu sáng tạo đích thực. Tuy nhiên, tùy từng họa sĩ mà chú trọng đến “sáng tạo đích thực” như thế nào. Vì trên thực tế, vẫn có những họa sĩ “sáng tác cho mình” hoặc “sáng tác theo sự đòi hỏi của thị trường hoặc cả hai. Để bán được tác phẩm, người nghệ sĩ ngoài tài năng thì cũng rất cần sự may mắn. Tôi luôn cảm ơn các nhà sưu tập, các nghệ sĩ đã luôn ủng hộ và đồng hành cùng tôi. Với tôi, khi đã “dấn thân” vào đề tài phố là một cánh cửa hẹp, lại luôn đặt ra cho mình sự thay đổi qua từng giai đoạn thì lại càng khó hơn. Nhưng tôi nghĩ “là nghệ sĩ trẻ cần phải trải nghiệm và sáng tạo hết các giai đoạn của tuổi thanh xuân, phải có ước mơ lớn, để nếu mình không vượt được Vũ Môn thì ít nhất mình cũng đã dám bơi ngược dòng”. Và khi bạn đã khẳng định được “thương hiệu” cho mình thì sẽ có “thị trường riêng” tìm đến bạn.
Khi nào anh xác định được phong cách riêng của mình, và nó có thể gói gọn bằng mấy chữ nào?
– Từ những năm đầu cầm bút sáng tác, tôi đã trăn trở phải làm gì để tìm ra sự khác biệt, để tìm ra chính tôi. Trước những “hình tượng” đi trước – là những nghệ sĩ bậc thầy, những nghệ sĩ đàn anh, tôi nghĩ “mình phải làm gì để không là cái bóng của họ và không là cái bóng của chính mình”. Và cứ thế, mặc niệm trong suy nghĩ của tôi từ các bài vẽ hình họa, các ký họa đến các sáng tác sau này luôn có một ý thức “hãy làm khác”. Tôi tìm đọc tài liệu và xem tranh của các họa sĩ ở Việt Nam và trên thế giới, tôi học tập những người thành công đi trước và tôi đặt ra các câu hỏi khác nhau “điều gì khiến họ thành công?”, “những nghệ sĩ thành công có điểm gì chung nhau?”. Và tôi tự phân tích theo cách riêng của tôi. Đã có những lúc tôi cho rằng, một người họa sĩ cần có những điểm khác biệt để người khác nhận ra mình là “đề tài, màu sắc, bút lực và phong cách vẽ”. Và tôi lại tìm tòi, suy nghĩ để tìm ra cái riêng cho mình. Thật khó khi con đường nghệ thuật đã có hàng nghìn lối rẽ khác nhau, làm sao lách qua các lỗi rẽ ấy để không “bị đụng”. Tôi luôn đặt cho mình các giai đoạn để làm việc, để nghiên cứu và phát triển. Tôi nghĩ phong cách sẽ đến trong các giai đoạn đó. Đôi khi, phong cách ấy là chỉ là quan điểm của cá nhân nghệ sĩ tại thời điểm đó.
Một nghệ sĩ luôn còn có trách nhiệm công dân xã hội. Anh nghĩ giới họa sĩ có thể chung tay làm gì để chống dịch SARS-CoV 2 hiện nay?
– Ý thức với cộng đồng sẽ luôn là trách nhiệm không chỉ của riêng ai. Với các nghệ sĩ, điều đó càng được thể hiện rõ. Theo tôi nghĩ, ngoài việc thực hiện tốt theo chủ chương và hướng dẫn của Chính phủ và Bộ y tế, mỗi họa sĩ còn có thể lan tỏa sự ảnh hưởng của mình đến cộng đồng bằng nhiều hình thức như tham gia các dự án vẽ tranh bảo vệ môi trường, bán tranh gây quỹ ủng hộ các tổ chức, cá nhân trong mùa dịch. Hoặc đơn giản hơn là sử dụng trang mạng xã hội cá nhân để truyền cảm hứng, sự lạc quan đến cộng đồng.
Cảm ơn anh và chờ đón ở anh những sáng tạo mới về phố.
Họa sĩ Nguyễn Minh sinh năm 1982. Tốt nghiệp Thạc sĩ Tạo hình tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội, CLB Nghệ sĩ trẻ Hà Nội. Từng đoạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hà Nội, Giải A triển lãm Mỹ thuật Thủ đô, Giải thưởng Mỹ thuật Sông Hồng, Việt Nam – Hàn Quốc… Có triển lãm tranh – điêu khắc cá nhân “Nguyễn Minh & Phố” năm 2018. Tham gia nhiều triển lãm tranh trong nước và quốc tế. Có tranh được Bộ ngoại giao Việt Nam, các cá nhân trong và ngoài nước sưu tập. Minh là đồng sáng lập nhóm “Đa diện”, “33Art” và tham gia một số hoạt động từ thiện, vì cộng đồng.