Tiểu sử

Họa sĩ Nguyễn Minh

title-line

TIỂU SỬ

Họ và tên: Nguyễn Anh Minh

Nghệ danh: Minh Phố

Năm sinh: 1982

2013 Tốt nghiệp Thạc sĩ tạo hình tại ĐH Mỹ thuật Việt Nam

2008 Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam

2004 Tốt nghiệp CĐSP Nhạc-Họa TW

HOẠT ĐỘNG CỘNG ĐỒNG

Khởi xướng và đồng sáng lập các nhóm “Đa diện” , “33Art” , “Sketch+”, “Chuyện Phố”.

Tham gia trại sáng tác, triển lãm và bán tranh ủng hộ nhà chống lũ, dự án gieo nhà gặt nhà.

Bán tranh ủng hộ các chương trình thiện nguyện chung tay phòng chống dịch Covid.

Tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng khác.

Tặng tranh cho dự án Mỹ thuật với bộ ngoại giao Việt Nam .

MỘT SỐ TRIỂN LÃM TIÊU BIỂU

Triển lãm tranh quốc tế “New Horizon” tại Malaysia – 2022

Triển lãm quốc tế tổ chức tại Việt Nam “Giai điệu thiên nhiên” 2022

Triển lãm tranh quốc tế (online) “Nghệ thuật trong nghich cảnh” Việt Nam – Philipines 2021

Triển lãm tranh – điêu khắc cá nhân “Nguyễn Minh & Phố” năm 2018

Tham gia nhiều triển lãm tranh trong nước và quốc tế

Tranh được Bộ ngoại giao Việt Nam, các cá nhân trong và ngoài nước sưu tập.

HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THỂ

Hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam

Hội viên hội Mỹ thuật Hà Nội

Hội viên CLB Nghệ sĩ trẻ Hà Nội

Thành viên nhóm 33art

 

GIẢI THƯỞNG NGHỆ THUẬT

Giải thưởng triển lãm khu vực 1

Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hà Nội

Giải A triển lãm Mỹ thuật Thủ đô

Giải thưởng Mỹ thuật Sông Hồng, Việt Nam – Hàn Quốc

Từ những năm đầu cầm bút sáng tác, tôi đã trăn trở phải làm gì để tìm ra sự khác biệt, để tìm ra chính tôi, đó là sự “mất ngủ”, là “day dứt” trước những “hình tượng” đi trước – là những nghệ sĩ bậc Thầy, những nghệ sĩ đàn anh, tôi đã từng nghĩ “mình phải làm gì để không là cái bóng của họ và không là cái bóng của chính mình”. Và cứ thế, mặc niệm trong suy nghĩ của tôi từ các bài vẽ hình họa, các ký họa đến các sáng tác sau này luôn có một ý thức “hãy làm khác”. Tôi tìm đọc tài liệu và xem tranh của các họa sĩ ở Việt Nam và trên thế giới, tôi học tập những người thành công đi trước và tôi đặt ra các câu hỏi khác nhau “điều gì khiến họ thành công?” “những nghệ sĩ thành công có điểm gì chung nhau?” và tôi tự phân tích theo cách riêng của tôi. Đã có những lúc tôi cho rằng, một người họa sĩ cần có những điểm khác biệt để người khác nhận ra mình là “đề tài, màu sắc, bút lực và phong cách vẽ”. Và tôi lại tìm tòi, suy nghĩ để tìm ra cái riêng cho mình. Thật khó khi con đường nghệ thuật đã có hàng ngàn lối rẽ khác nhau, việc lách qua các lỗi rẽ ấy để không “bị đụng” thật không dễ chút nào.

Năm 2013 tôi là học viên năm cuối của lớp cao học trường Mĩ thuật Việt Nam và được họa sĩ Trần Huy Oánh hướng dẫn bài tốt nghiệp. Một buổi sáng trên đường đi ký họa để tìm tài liệu cho bài tốt nghiệp, tôi ngồi uống nước bên đường Khuất Duy Tiến, nhìn qua gầm cầu của tuyến đường trên cao tôi nhận ra “sự thoi thóp” của những ngôi nhà đang bị phá dỡ, đền bù để thay thế vào đó là cây cầu mới – con đường mới. Thoáng nghĩ mơ hồ trong đầu rồi một ngày nào đó chắc làng quê mình cũng “chung số phận”, sẽ mất đi “hồn quê” , mất đi tuổi thơ của chính tôi, mất đi những tiếng hát đồng dao, mất đi những tiếng mời nhau ăn cơm – uống nước và mất đi cả màu đen quánh của đêm khuya trộn lẫn tiếng dế kêu…Một cảm giác chơi vơi đến tiếc nuối ập đến. Nhưng ngay lập tức tôi cũng nhận ra “vẻ đẹp” của các mảng miếng giữa các má cầu, chân cầu, tôi nhận ra sự thú vị bởi sự nhấp nhô của mái   ngói đang chuẩn bị mất đi và khoảng sáng bầu trời phía trên những mái nhà đó. Một vẻ đẹp lãng mạn trong quy luật thay đổi tất yếu có tính thời sự nhưng lại trữ tình. Có thể là mâu thuẫn giữa tình cảm và lý trí, giữa ký ức và thực tại chăng?

Khi Hà Nội làm “biến mất” những hàng cây trên một số tuyến đường, tôi nhìn thấy sự kêu cứu của Cây, nhìn thấy sự thay đổi của hệ sinh thái, nhìn thấy những chú chim như bị “mất nhà” và nhìn thấy sự tiếc nuối đến sót xa của những người đã gắn bó với những mảnh đất ấy, nhưng dưới con mắt của người họa sĩ trẻ – tôi biểu hiện điều đó một cách trữ tình hơn, để cái sót xa và tiếc nuối ấy trở nên bi hùng . Và tôi luôn mong muốn biến đổi để “PHỐ của tôi” trở nên riêng hơn, tự tình hơn và mang hồn tuổi thơ của tôi hơn.

Tôi đã khái quát nhất những câu chuyện về Phố về Làng, về cây, về những hình tượng trong tranh của mình – Khái quát cả trong cách tạo hình, pha trộn giữa Đồ họa và Hội họa, đôi khi kiệm màu, đôi khi lại điểm sắc với sự tung tẩy…tùy theo cảm xúc, tùy theo từng câu chuyện của Phố, của Làng, của tuổi thơ. Tôi lồng ghép trong tranh những sự đối lập và đan xen lẫn nhau trong cuộc sống như ” văn hóa hiện đại –  văn hóa truyền thống, cái cũ – cái mới, cái thực – cái ảo, tính thời gian như quá khứ – hiện tại,  trước – sau…

Ngày nay, với sự biến đổi không thể cưỡng lại bởi quá trình đô thị hóa. Đâu đó ta thấy sự ngột ngạt, chật chội, o ép để ta như muốn phá tung mà tự giải thoát… Mặc dầu luyến tiếc quá khứ, chứng kiến những đổi thay chóng mặt là tâm trạng của nhiều người trong đó có tôi, tuy nhiên, tôi không muốn thể hiện điều đó trong các tác phẩm của mình, mà ngược lại, tôi muốn có một cái nhìn lạc quan hơn đối với sự biến đổi tất yếu ấy: Một Phố – Làng có đan xen mới – cũ, truyền thống – hiện đại, trữ tình và rất lãng mạn.

Tôi cho rằng, truyền thống  của một dân tộc sẽ không bao giờ chết và nó cũng không đứng im, mà nó luôn vận động trong tâm hồn, trong cách ứng  xử của những thế hệ người Việt Nam hiện đại. Tôi cho rằng: “Truyền thống không chỉ nằm ở hình thức bên ngoài của một kiến trúc, của một đồ vật, của một con người hay một tầng lớp xã hội, mà nó còn ẩn sâu và có sức mạnh ở bên trong mỗi kiến trúc, mỗi đồ vật, con người và xã hội đó. Hãy đối diện và cùng nhìn vào thực tại để bạn, để tôi, để chúng ta đều có những chuyển mình”.